Quy định về 17 hành vi cấm đối với nhà môi giới bất động sản
13:57 - 29/11/2024 81
Mới đây, ”Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản Việt Nam” đã chính thức được công bố, quy định rõ 17 hành vi mà các môi giới bất động sản không được phép thực hiện.
Bộ quy tắc VPEC 2024 được chia thành 5 chương với 22 điều, áp dụng đối với sàn giao dịch và các công ty môi giới, và 6 chương với 21 điều dành riêng cho các nhà môi giới bất động sản.
Theo TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, VPEC 2024 không chỉ là hướng dẫn cho các hoạt động môi giới mà còn giúp củng cố niềm tin của xã hội, đẩy mạnh sự phát triển vững mạnh, minh bạch và tạo nên thị trường bất động sản lành mạnh.
Theo báo cáo của VARS, hiện nay có khoảng 300.000 cá nhân đang hành nghề môi giới bất động sản trên toàn quốc. Tuy nhiên, chất lượng công việc và cam kết đạo đức nghề nghiệp của họ vẫn còn thiếu sự đồng đều. Các môi giới hiện nay có sự phân hóa rõ rệt về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và khả năng tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Tình trạng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tin tưởng của khách hàng, nhất là trong bối cảnh các vụ việc lừa đảo và thiếu minh bạch trong giao dịch vẫn diễn ra, khiến thị trường bất động sản giảm sức hấp dẫn.
17 hành vi bị cấm đối với nhà môi giới bất động sản
- Thực hiện môi giới đối với bất động sản không đủ điều kiện kinh doanh theo quy định pháp luật.
- Không công khai đầy đủ, trung thực thông tin về bất động sản hoặc công khai thông tin sai lệch.
- Thực hiện hành vi gian lận hoặc lừa dối trong quá trình môi giới.
- Huy động hoặc chiếm dụng vốn trái phép từ khách hàng.
- Thu phí, hoa hồng hoặc các khoản thu khác trái với quy định pháp luật.
- Nhóm không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với quốc gia, nhà nước.
- Tự ý thay đổi mức phí dịch vụ mà chưa có sự đồng ý từ cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp.
- Hành động tranh giành khách hàng hoặc thực hiện các hành vi làm mất đoàn kết trong nội bộ và các đơn vị thành viên.
- Lợi dụng thông tin nội bộ để mua bán bất động sản nhằm thu lợi cá nhân.
- Cố ý hoặc vô tình phát ngôn sai sự thật hoặc gây hiểu lầm về các môi giới khác, về công việc hoặc hoạt động kinh doanh của họ.
- Cung cấp thông tin không chính xác hoặc gây bất lợi cho doanh nghiệp mình tham gia.
- Mất mát hợp đồng hoặc các tài liệu quan trọng là tài sản của doanh nghiệp hoặc khách hàng (trừ trường hợp bất khả kháng như thiên tai, cháy nổ).
- Yêu cầu khách hàng trả tiền ngoài hợp đồng để nhận sản phẩm tốt hơn vì lợi ích cá nhân, gây ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp mình tham gia.
- Có thái độ thiếu nghiêm túc hoặc không lịch sự đối với khách hàng và đồng nghiệp.
- Sử dụng thông tin của nhà môi giới khác (từ mạng hoặc các phương tiện thông tin đại chúng) để môi giới mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu thông tin.
- Làm đại diện cho cả hai bên trong giao dịch (bên bán và bên mua, bên cho thuê và bên thuê).
- Môi giới bất động sản mà chính mình là chủ sở hữu bất động sản đó.
Với những quy định này, mục tiêu là nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của các nhà môi giới, giúp ngành bất động sản phát triển một cách bền vững và lành mạnh, tránh các hành vi gian lận, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường và khách hàng.
Cập nhật tin tức bất động sản hàng ngày cùng vnland.info!